Niềm đam mê kiến trúc cháy bỏng của Thủ khoa khối V – Hoàng Sơn

Kiến trúc một ngành không chỉ đòi hỏi về tư duy thẩm mỹ, nghệ thuật mà còn đòi hỏi về tư duy kỹ thuật. Hoàng Sơn – Cậu thủ khoa khối V đã chọn thi vào Khoa Kiến trúc của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Một ngành nghề cần phải hòa hợp, cân bằng giữa sự mềm mại của nghệ thuật và sự vững chắc của kỹ thuật.

Trong thời gian Sơn ôn thi là vào thời điểm dịch Covid 19 đang diễn ra rất căng thẳng ở nước ta, chính vì vậy việc học tập cũng trở nên vô cùng khó khăn, hầu hết đều phải học online. Đặc biệt với đặc thù của khối V có môn thi vẽ mỹ thuật, môn thi này thường phải đến lớp để vẽ và ôn tập nhưng tại thời điểm đó lại không thể di chuyển đi lại một cách dễ dàng nên em đã phải tự ôn luyện rất nhiều tại nhà, tự đọc sách tìm hiểu, tự mua những bức tượng về nhà và tự luyện tập.

Ôn luyện như thế nào với khối V…

Theo Sơn trong thời gian ôn luyện, đặc biệt vào khoảng thời gian sát kỳ thi vô cùng gấp rút này, hãy luôn ôn lại tất cả kiến thức lý thuyết và luyện tập các dạng câu hỏi, các đề thi thử; Hãy lặp đi lặp lại 2 việc xen kẽ sao cho thật “nhuần nhuyễn” với các kiến thức, các câu hỏi để từ đó có được sự tự tin cao nhất trước khi bước vào phòng thi. Đặc biệt là các em thi khối V, với đặc thù có thêm môn năng khiếu – vẽ, hãy vẽ thật nhiều, tham khảo các bài vẽ của các anh chị khóa trên hay cả những bức vẽ có trên mạng, sách,… để làm tăng tư duy về thẩm mỹ của bản thân cũng như để “dẻo tay” hơn khi vẽ. Về việc thi cử, Sơn chia sẻ: “Hãy cố gắng thật bình tĩnh, tự tin với vốn kiến thức mình đã được ôn luyện. Hãy tin chắc rằng bất kể ai nỗ lực hết sức mình trong ôn tập thì sẽ đều tự tin và đạt được kết quả như ý”. Trong môn vẽ mỹ thuật của khối V, các bạn sĩ tử hãy chú ý cân chỉnh thời gian vẽ sao cho thật hợp lý, tránh trường hợp quá mải mê vào những chi tiết nhỏ mà không còn thời gian cho tổng thể. Hãy luôn nhớ một bài vẽ được đánh giá cao là một bài vẽ có tổng thể tốt, tương quan về sắc độ tốt, bố cục hợp lý chứ không phải một bài vẽ chỉ có một vài chi tiết đẹp mà lại dở dang, không nổi bật.

Với môn Toán và Lý, cách thức ôn tập của Sơn là ôn luyện qua tổng thể một lần tất cả các kiến thức lý thuyết đã được học; Học thuộc và ghi nhớ các công thức thường sử dụng. Song song với việc ôn tập lý thuyết thì em cũng luyện dần các dạng bài tập từ dễ tới khó của từng chương. Tiếp theo sau đó em sẽ ôn luyện các dạng đề thi thử để quen với các dạng câu hỏi và thời gian làm bài. Trong quá trình ôn luyện đề, nếu thấy gặp vướng mắc ở phần nào thì em sẽ quay trở lại và ôn tập ngay lại phần đó. Cứ làm như vậy cho đến khi làm đề thi thử cảm thấy thật trơn tru, không còn vướng mắc gì.

Còn với môn Vẽ mỹ thuật với 2 bài thi vẽ lại có những phương pháp ôn tập khác nhau. Với bài thi mỹ thuật 1, là bài thi vẽ đầu tượng, các bạn cần phải có khoảng thời gian ôn tập từ lâu trước đây vì học vẽ cần một quá trình chứ không thể chỉ trong một vài ngày là có thể vẽ tốt được. khi đã có một nền tảng tốt thì đến giai đoạn cuối này em sẽ ôn vẽ rất nhiều, nếu không thể đến các lớp học vẽ để ôn tập thì em thường tự xem những bức ảnh tượng rồi tập vẽ lại hoặc vẽ theo những bức tượng mình đã mua tại nhà. Ngoài ra Sơn còn tham khảo rất nhiều các bài vẽ đẹp qua sách vở hay trên mạng để học hỏi thêm các kỹ năng và cách vẽ tốt. “Với môn thi này phải thi online nên chưa có được nhiều trải nghiệm trong việc thi offline sẽ ra sao” Sơn chia sẻ. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của Sơn thì cần phải lưu ý một vài điểm như bố cục của bài vẽ phải cân đối hợp lý, cần phải để ý kỹ thời gian thi, phân bố thời gian cho từng công đoạn một cách khoa học để có thể hoàn thành trọn vẹn được bài vẽ, cần phải để ý tương quan về sắc độ của bài vẽ sao cho khi đặt bài vẽ ra xa vẫn có thể nhìn thấy sự tương phản, nổi bật.

Với bài thi mỹ thuật 2 hay còn gọi là bài thi bố cục tạo hình thì cần phải đọc sách, nghiên cứu kỹ về các yếu tố tạo hình, phương pháp tạo hình qua những sách hay các nguồn thông tin khác về lĩnh vực design. Cần phải xem và tham khảo nhiều các bức vẽ của các danh họa nổi tiếng để nắm bắt được cách tư duy, phương pháp làm bài. Khi đi thi cũng cần phải cố gắng phân chia thời gian cho từng việc nhỏ như nghĩ ý tưởng, dựng hình, lên sắc độ,.. điều quan trọng nhất của bài thi này là ý tưởng thú vị, độc đáo, sâu xa, nhiều ẩn ý.

Gia đình nguồn cảm hứng cho Sơn thi khối V

Gia đình Sơn cũng có người làm trong ngành kiến trúc và điều này cũng đã ảnh hưởng rất nhiều tới việc em lựa chọn ngành này để theo đuổi. Không phải bởi vì sự ép buộc hay định hướng của gia đình để sau này có thể dễ dàng giúp đỡ trong tương lai mà là vì em đã thấy được ở người thân cách làm việc của một kiến trúc sư, các bước để thiết kế nên một công trình, thấy được tính chất đặc thù của công việc và cũng thấy được cả những điều hay ho, thú vị từ ngành nghề này. Sau những điều em đã được nhìn thấy từ gia đình, Sơn đã có được tình yêu với bộ môn này, để rồi em quyết tâm phải theo đuổi ngành kiến trúc.

Lời cuối Sơn muốn gửi tới các bạn sĩ tử 2022 rằng: “Sơn muốn chúc tất cả các bạn đang chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT Quốc gia năm 2022 hãy thật bình tĩnh, tự tin, cố gắng đạt được kết quả cao nhất trong khả năng của mình và có thể đỗ được vào ngành đúng với nguyện vọng của mình. Và hãy luôn nhớ mọi nỗ lực đều sẽ được đền đáp xứng đáng.”

Trong khuôn khổ chương trình Tiếp sức mùa thi 2022, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long thực hiện chuỗi bài viết về kinh nghiệm “vượt vũ môn” của 40 thủ khoa khắp cả nước ở tất cả 12 khối thi ở nhiều môn thi. Tuyển tập “bí kíp có 1 không 2” từ chính các thủ khoa này sẽ là trợ thủ đắc lực để các sĩ tử đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi quan trọng.

Quang Dương.