Hai lần thi Đại học và niềm đam mê với Lịch sử Đảng của thủ khoa đầu vào khối C03 – Học viện Bao chí Tuyên truyền

Là một thủ khoa đến từ vùng đất Thanh Hóa địa linh nhân kiệt, Phạm Thị Thu – sinh viên năm nhất lớp Lịch sử Đảng K41, Khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã xuất sắc trở thành thủ khoa đầu vào khối C03 với tổng điểm xét tuyển ba môn khối là 37.22 với môn Sử: 9.75, môn Văn: 9.25 và Toán: 7.8. Hãy cùng tham khảo một số kinh nghiệm nhỏ của bạn ấy nhé!


“Chào các bạn, mình xin phép xưng là chị nhé! Vì phần lớn cuộc thi lần này là các bạn nhỏ 2k4 nhỉ. Có lẽ các em đã cố gắng rất nhiều rồi đúng không và đây là giai đoạn mà cả chị và các em đã, đang và sẽ trải qua trong cuộc đời học tập của mỗi người. Thời gian diễn ra kì thi Tốt nghiệp THPT chỉ còn tính bằng ngày nên chắc hẳn giờ đây các em sẽ có một số những suy nghĩ áp lực và cả những nỗi lo. Đó là điều tất yếu. Thế nhưng các em ạ, chị biết lo lắng là cảm xúc thường gặp thôi nhưng các em đừng để nó chi phối mình quá lớn nhé. Chị cũng đã từng trải qua những giai đoạn thật sự khủng hoảng về áp lực học tập và thi cử, nhưng rồi chị nhận ra nó không những không giúp mình khá hơn mà còn kéo mình chìm sâu vào chuỗi ngày tiêu cực kéo dài. Thế rồi chị quyết định dẹp hẳn những suy nghĩ ấy ra khỏi đầu bằng một số cách sau đây, các em có thể tham khảo nhé. Những lúc như vậy, chị sẽ chọn chạy bộ là một phương pháp thư giãn của mình, hoặc có thể là đi gặp một vài người bạn thân hoặc tìm một chỗ nào đấy thật thoáng đãng và thật nhiều cây xanh, một mình thư giãn và hít thở không khí, ấy là lúc chị cảm thấy được chữa lành rất nhiều. Nó sẽ giúp ích rất nhiều trong thời gian chúng ta áp lực và lo lắng này. Nhưng đừng lạm dụng nó quá nhé, vì công việc tiên quyết nhất của các em hiện tại là ôn thi mà nhỉ, hãy sử dụng nó khi em cảm thấy mệt mỏi và hãy nhanh chóng quay lại cuộc đua nhé. Các đối thủ vẫn đang trên đường đua. Bên cạnh đó, chị muốn chia sẻ một số phương pháp giúp nâng cao hiệu quả học tập các môn Toán, Văn, Sử.

Đối với môn Sử, có lẽ đây là một môn được các bạn xem là khô khan và khó ngấm, nhưng thật sự thì nó cũng khó ngấm thật nếu như các em không thật để tâm đến nó. Một điều chị muốn đặc biệt nhấn mạnh đối với môn này là nếu muốn nắm chắc kiến thức cơ bản, các em phải đọc sách giáo khoa và nghiền ngẫm nó, kết hợp với việc ghi chú các mốc thời gian, các sự kiện lịch sử lớn như các Hội nghị, sự ra đời của một yếu tố nào đó,… Đọc sách giáo khoa, các em sẽ nắm hầu như điểm nhận biết và thông hiểu trong đề thi. Còn về phần vận dụng và vận dụng cao, các em cố gắng xem các buổi dạy của thầy cô để lắng nghe phân tích, so sánh các vấn đề, rút ra cái quan trọng nhất, Về phần này thì cần tư duy và suy nghĩ khá nhiều. Cố gắng nhé. Đối với môn Văn, bạn nào muốn điểm cao từ 8,9+ môn này phải cố gắng đạt điểm tuyệt đối phần đọc hiểu và nghị luận xã hội. Với đọc hiểu, các em hãy luyện nhiều đề để tạo phản xạ thói quen; phần nghị luận xã hội thì hãy để ý cập nhật các tin tức thời sự, nó sẽ giúp các em có hiểu biết nhiều hơn về các vấn đề và nguồn dẫn chứng cũng phong phú hơn. Còn phần đặc biệt nhất là nghị luận văn hoc, các em nên có hệ thống các luận điểm cho mỗi bài, và phần này để khi đi thi các em không lúng túng hay bị vấp chị có một đề xuất các em nên viết mở bài, tác giả tác phầm, tiểu kết nghệ thuật, tiểu kết nội dung và kết bài trước để học, cố gắng dùng một vài mở bài đa dạng để có thể ốp cả cho thơ hoặc văn nhé, nó sẽ giúp các em kha khá thời gian đấy. Và một vấn đề quan trọng nữa là đặc biệt căn thời gian để phân bố làm bài hợp lí nhé. Còn với môn toán, đây có thể nói là một môn khó “chịu hợp tác” với chị nhất. Tuy nhiên sau đó chị cũng rút ra một số kinh nghiệm đó là các em cố gắng luyện tập làm đi làm lại chắc chắn 35 đến 40 câu đầu, cố gắng tuyệt đối hạn chế sai xót phần này. Trong đề thì số điểm cho mỗi câu đều như nhau nên thay vì đầu tư tâm trí cho phần sau thì cố gắng đánh thắng những câu đầu đã nhé, còn phần vận dụng và vận dụng cao thì đòi hỏi tư duy cao và phân tích đề kỹ, đây là cả một quá trình phấn đấu. Cuối cùng chị chốt lại, môn học nào cũng đều có cái khó riêng và kinh nghiệm của chị cũng chỉ được rút ra từ chính bản thân chị, chị không hề có suy nghĩ áp đặt hay ép buộc các em thưc hiện nó, nhưng mong rằng sẽ đóng góp phần nào đó cho các em , các em có thể tham khảo và áp dụng nếu cảm thấy nó thích hợp với mình nhé.

Sau nữa chị muốn nói rằng, các em hãy cứ học tập nhưng cũng nên chú ý sức khỏe của mình nhé, chị biết các em muốn cố gắng hết sức nhưng hãy yêu bản thân mình rồi sẽ thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn. Mỗi con đường chúng ta đi qua đều sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị sau này. Và có lần chị nghe được điều này, hi vọng sẽ giúp các em có những suy nghĩ tích cực hơn nhé. “Cái gì khó là cái làm chưa đủ lâu, chưa đủ nhiều. Việc này khó tức là việc đó làm chưa đủ lâu, chưa đủ nhiều. Làm mười lần chưa hết khó thì làm một trăm lần, làm một trăm lần chưa hết khó thì làm một nghìn lần, mười nghìn lần, sau cùng mọi thứ đều đơn giản. Nước chảy đá mềm, có công mài sắt có ngày nên kim, đào núi và lấp bể, quyết chí ắt làm nên. Con đường đi đến vị trí ta mong muốn, vũ trụ sẽ luôn kiểm tra ta bằng những thử thách, nếu câu trả lời của ta luôn luôn là con muốn đến đó, vũ trụ sẽ mỉm cười cho ta một con đường!”. Hãy mạnh mẽ, tự tin và chiến thắng nhé.” – Thu chia sẻ.

Trong khuôn khổ chương trình Tiếp sức mùa thi 2022, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long thực hiện chuỗi bài viết về kinh nghiệm “vượt vũ môn” của 40 thủ khoa khắp cả nước ở tất cả 12 khối thi ở nhiều môn thi. Tuyển tập “bí kíp có 1 không 2” từ chính các thủ khoa này sẽ là trợ thủ đắc lực để các sĩ tử đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi quan trọng.

Minh Thắng