Nguyễn Thị Minh Nhung, sinh năm 2003, hiện là sinh viên năm thứ nhất Học Viện Ngoại giao. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021, Nhung trở thành Thủ khoa đầu vào Khối C của Học viện khi đạt kết quả thi với 8,5 điểm môn văn; 9,5 điểm môn Địa lý và 10 điểm môn Lịch sử. Hãy cùng khám phá những bí quyết của bạn ấy nhé!
“Để có được những kết quả đó, ngoài sự cố gắng nỗ lực của bản thân, mình nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các Thầy giáo, Cô giáo đã truyền thụ kiến thức, định hướng cho mình trong quá trình học tập các môn học nói chung và 3 môn: Văn, Lịch sử, Địa lý nói riêng; bên cạnh đó mình luôn nhận được sự chăm lo chu đáo, tạo điều kiện của người thân trong gia đình để mình có môi trường, điều kiện được học tập tốt nhất.
Cá nhân mình cho rằng, học Văn không phải là quá dễ như nhiều người đã từng nói nhưng cũng không quá khó nếu khi học các bạn tạo được sự hứng thú. Văn học mang đến cho người ta sự tưởng tượng, vì vậy khi học Văn ta cần thật thoải mái việc tiếp thu tri thức trở nên hiệu quả. Mình thấy nhiều bạn học Văn theo kiểu nhồi nhét, dập khuôn và máy móc, đọc rất nhiều sách tham khảo và ép mình phải nhớ tất cả trong đó. Theo mình, đây không phải là cách học hiệu quả vì chúng ta không thể nhớ và hiểu được những gì không phải là của mình.
Trong quá trình học, mình thường xuyên viết văn mỗi ngày và cố gắng đọc nhiều sách, báo để củng cố kiến thức xã hội, phục vụ cho câu nghị luận xã hội. Bên cạnh đó, mình cũng chủ động phát biểu trong giờ văn vì mình cho rằng mỗi lần mình nhắc đến kiến thức đó là một lần giúp mình nhớ lâu hơn.
Đối với môn Lịch sử mình cho rằng đây là một môn tương đối khó, do phải nhớ rất nhiều sự kiện và mốc thời gian; đòi hỏi phải vận dụng linh hoạt nhiều kiến thức và kết nối các sự kiện. Để có thể nhớ được các sự kiện lịch sử, mình thường xuyên sử dụng phương pháp “sơ đồ tư duy”, phân chia các sự kiện lịch sử thành nhiều nhánh nhỏ để phân tích và nhớ theo logic. Mình còn thường xuyên học nhóm với bạn bè, vì khi học nhóm sẽ tạo không khí vô cùng thoải mái, cùng nhau phân tích, trao đổi các sự kiện lịch sử giúp chúng ta nhớ lâu hơn và học hỏi được từ bạn bè nhiều hơn. Và điều quan trọng là phải biết chọn lọc kiến thức, không phải học vẹt, học tất cả mọi thứ mà phải lựa chọn nhứng nội dung trọng yếu, điểm chính của bài học, những sự kiện mà thầy, cô nhấn mạnh.
Về môn Địa lý, cá nhân mình thấy rằng Địa lý là một môn học thú vị “lai” giữa khối tự nhiên và xã hội vì nó vừa rèn cho mình tính toán cẩn thận, vừa giúp mình hiểu về vị trí đất nước, con người Việt Nam. Trong quá trình học mình chủ động làm nhiều đề trắc nghiệm nếu rối ở đâu mình sẽ nhờ thầy cô giáo gỡ luôn ở đó. Atlat và biểu đồ cũng là một kỹ năng chiếm không ít điểm trong bài thi nên trong khoảng thời gian ôn thi mình luôn chủ động làm nhiều bài tập để quen với atlat đồng thời việc đó cũng tạo cho mình phản xạ đọc Atlat. Không giống với văn, Sử và Địa cần sự chính xác tuyệt đối. Vậy nên, đối với những câu vận dụng cao để lấy điểm 9,10 ta cần phân tích, loại trừ trong quá trình làm bài để đạt được số điểm tối đa.
Việc học khó hay dễ là suy nghĩ của mỗi người, quan trọng là không nên tạo áp lực cho mình; với tư tưởng thoải mái, tâm thế vững vàng, tự tin, mình tin rằng các bạn K24 sẽ có phương pháp học các môn xã hội một cách hiệu quả, đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.
Chúc các bạn 2K4: Đủ sức khỏe – Đủ tự tin – Đủ quyết tâm – Đủ khát khao chiến thắng để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi THPT sắp tới!” – Theo Linh chia sẻ.
Trong khuôn khổ chương trình Tiếp sức mùa thi 2022, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long thực hiện chuỗi bài viết về kinh nghiệm “vượt vũ môn” của 40 thủ khoa khắp cả nước ở tất cả 12 khối thi ở nhiều môn thi. Tuyển tập “bí kíp có 1 không 2” từ chính các thủ khoa này sẽ là trợ thủ đắc lực để các sĩ tử đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi quan trọng.
Minh Thắng