Để đạt được điểm cao khối C liệu có khó?!!! Cùng Thủ khoa ôn luyện để biết cách học đạt kết quả tốt nhất

Không khó lấy điểm cao như nhiều người tưởng tượng. Làm bài các môn văn, sử, địa, nếu có phương pháp, đạt điểm cao là việc không quá khó.

Cách học cùng lúc ba môn khối C được coi là khó khi cần phải vận dụng hết khả năng ghi nhớ và tư duy logic về sự kiện. Bạn Lô Thị Hoàng Kim, sinh viên ngành Hàn Quốc học, khoa Đông Phương học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Là thủ khoa đầu vào khối C với tổng 28.75 điểm (Văn: 9.5 điểm, Sử:9.75 điểm, Địa: 9.5 điểm).  Cô gái dân tộc Thái luôn nỗ lực để học tập và trau dồi kiến thức hàng ngày. Hoàng Kim chia sẻ: “Để học 3 môn xã hội cùng đạt được điểm cao, trước hết đó là cần biết cách sắp xếp và điều phối thời gian hợp lý và khoa học sau đó sẽ xác định rõ thế mạnh và điểm yếu của mình ở đâu để xây dựng phương pháp học tập phù hợp”.

Đối với từng ôn học, cô thủ khoa lại có những phương pháp riêng để học một cách hiệu quả hơn. “Đối với môn Văn, trước mỗi bài học sẽ dành thời gian để đọc – hiểu tác phẩm: bao gồm các kiến thức về tác giả, phong cách nghệ thuật của tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh xuất xứ, nội dung chính của tác phẩm. Phần này sẽ giúp em có cái nhìn tổng quan nhất về tác phẩm sẽ học. Sau đó tiến hành cảm nhận tác phẩm bằng cách chia nhỏ tác phẩm để phân tích về nội dung, nghệ thuật cũng như giá trị, thông điệp tác giả muốn truyền tải. Đồng thời sẽ đọc thêm những bài phân tích, cảm nhận trong sách tham khảo để nhìn nhận thêm nhiều khía cạnh mà mình chưa thấy được. Trong giờ học luôn tập trung lắng nghe và ghi chép lại bài giảng của cô giáo. Nhờ vào việc đã chuẩn bị bài kỹ trước khi bước vào tiết học nên khi cô giáo giảng bài sẽ tiếp thu rất nhanh nội dung bài học. Sau khi học xong để ghi nhớ kiến thức em hệ thống lại bằng cách ghi lại những luận điểm chính của tác phẩm kết hợp với việc luyện đề. Luyện đề rèn cho em rất nhiều kĩ năng, vừa giúp ghi nhớ kiến thức, trau chuốt văn phong mà còn rèn kĩ năng viết, kỹ năng xử lý và triển khai đề bài” Hoàng Kim chia sẻ.

Đối với môn Địa lý, cần có kỹ năng sử dụng Atlat và xử lí bảng số liệu, kỹ năng nhận diện biểu đồ. Việc luyện đề để trau dồi kỹ năng là rất cần thiết. Phần về phần kiến thức sẽ được note lại những vấn đề khó, quan trọng để có thể ôn và học thật kỹ. Đây cũng là điểm quan trọng để bài thi có kết quả cao. Còn với môn lịch sử, nếu gặp khó trong việc không thể nhớ hết được các mốc sự kiện lịch sử. Hãy cần cố gắng học cách xâu chuỗi và đối chiếu các sự kiện của lịch sử Việt Nam và lịch sử với nhau. Nhờ vậy mà cùng có thể nhớ được nhiều sự kiện diễn ra. Cô thủ khoa bật mí thêm: “Đồng thời với môn học này Kim hay lập rất nhiều bảng so sánh kiến thức về các chiến dịch, các đại hội,… nhờ đó em vừa nhớ được kiến thức vừa có sự thấy được điểm khác biệt và tiến bộ”.

Với Hoàng Kim, yếu tố quan trọng là phải tự tin với bản thân và cần cẩn thận đọc kĩ đề trước khi làm sẽ giúp cho kết quả bài thi đạt điểm tốt nhất. “Bước vào giai đoạn ôn thi nước rút, em khuyên các bạn nên tập trung luyện đề, củng cố lại những kiến thức chưa vững, đồng thời rèn luyện kỹ năng làm bài. Hãy thật tự tin với những kiến thức mình đã được học, chuẩn bị một trạng thái tinh thần tốt nhất khi bước vào phòng thi và đừng quên đọc kỹ đề trước khi làm và khảo lại bài trước khi nộp. Chúc các sĩ tử 2k4 sẽ có một mùa thi thắng lợi” – lời khuyên của cô bạn đến từ Nghệ An.

Trong khuôn khổ chương trình Tiếp sức mùa thi 2022, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long thực hiện chuỗi bài viết về kinh nghiệm “vượt vũ môn” của 40 thủ khoa khắp cả nước ở tất cả 12 khối thi ở nhiều môn thi. Tuyển tập “bí kíp có 1 không 2” từ chính các thủ khoa này sẽ là trợ thủ đắc lực để các sĩ tử đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi quan trọng.

Tùng Lâm