Hành trình rèn luyện của Thủ khoa khối C trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

Với số điểm xét tuyển khối C00: 28,75 điểm (Văn học: 9,25 điểm; Lịch sử 9,75 điểm; Địa lý: 9,75 điểm), cô bạn đến từ Hà Tĩnh – Phan Thị Hương đã xuất sắc trở thành thủ khoa đầu vào của trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM năm 2021. Hiện nay, Hương là sinh viên theo học Khoa Báo chí và Truyền thông của trường.

Sự nỗ lực vượt qua khó khăn đến với trường “Top đầu khối C khu vực miền Nam

Với niềm yêu thích và đam mê lĩnh vực báo chí, Hương là một trong số ít bạn trẻ trong lớp lựa chọn “Nam tiến” thay vì “Bắc tiến”. Qua tìm hiểu, cô gái người Hà Tĩnh cảm thấy trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM là 1 điểm đến vô cùng lý tưởng chocác bạn sinh viên đang theo đuổi những ngành thuộc lĩnh vực xã hội. Được biết trường ĐH KHXH&NV là trung tâm nghiên cứu, đào tạo lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn lớn nhất miền Nam. Đặc biệt hơn, trường cũng là nơi đào tạo cử nhân báo chí có chất lượng tốt nhất khu vực miền Nam. Từ đấy, cô thủ khoa đã quyết tâm để thi đỗ vào ngôi trường mình đã mơ ước được theo học.

Trong quá trình ôn thi cho kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, Hương đã gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc khoảng cách địa lý của nhà em khá xa trường đến đại dịch Covid-19 ập đến, việc chuyển từ giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến đã là một thiệt thòi với các bạn học sinh thì đối với một huyện nghèo ở Hà Tĩnh thì để sở hữu cho mình 1 chiếc laptop là một điều tưởng chừng như “mơ tưởng”. Hương đã cố gắng vượt khó, học trên điện thoại để có thể nghe giảng và học tập theo kịp với các bạn đồng trang lứa.

May mắn của Hương là bên cạnh em luôn có sự đồng hành của các thầy cô. “Các cô giáo bộ môn văn sử địa đã động viên và cổ vũ em rất nhiều. 1 tháng cuối cùng trước khi diễn ra kỳ thi, cô giáo dạy địa lý – cô Nguyễn Thị Hằng đã đưa em về nhà dạy học và chăm sóc cho em, tạo cho em một môi trường học tập hợp lý để chuẩn bị diễn ra kỳ thi quan trọng này. Gia đình và bạn bè cũng đã hỗ trợ em về vật chất và tinh thần rất nhiều. Đây cũng chính là một trong những lý do giúp em có được điểm số 28,75. Em luôn biết ơn và trân trọng tất cả những điều đó” – Cô thủ khoa chia sẻ.

Để đạt được điểm cao trong kỳ thi cần phải nắm vững kiến thức và cách học hiệu quả…

Điều đầu tiên để Hương có thể đạt được điểm cao trong kì thi tốt nghiệp THPTQG là bản thân có niềm yêu thích đối với 3 môn văn sử địa từ nhỏ. Đam mê với ngành học và có mục tiêu, dự định cho tương lai thật đúng đắn là kim chỉ nang cho sự cố gắng. Tin tưởng vào bản thân là khi đã có mục tiêu, biến nó thành ước mơ và động lực thì kết quả thi THPTQG của bạn sẽ xứng đáng với những gì mình đã bỏ ra. Lộ trình học các môn Hương đặt ra:

Đối với môn Văn học, thay vì lựa chọn việc học thuộc lòng đáp án  phân tích các tác phẩm, Hương lại lựa chọn chỉ học thuộc và nắm chắc các ý chính của tác phẩm, rồi tập trung học kỹ năng là chính. Chia thời gian cho các câu, thường sẽ có 3 câu: 3 điểm của câu đọc hiểu:15-20 phút; 2 điểm của nghị luận xã hội: 15 phút; 5 điểm của câu nghị nghị luận văn học:55-60 phút. Gạch các ý chính của bài mà mình cần triển khai, đây là kỹ năng mà hầu hết các bạn đều bỏ qua vì nghĩ mất thời gian và không có hiệu quả. Tuy nhiên thay vì lập 1 dàn bài quá chi tiết thì hãy chỉ vạch các ý chính, thật ngắn gọn để lúc làm bài mạch ý bài mình sẽ sáng và rõ, không bị nhầm lẫn giữa các ý và có thể khống chế được thời gian.

Ngắn gọn nhưng đủ ý, dài nhưng không quá lố và lan man. Đối với những bạn có tốc độ viết không nhanh thì phải tập làm quen với việc viết đầy đủ ngắn gọn và súc tích. Nếu các bạn sợ ngắn quá bài sẽ khô khan thì hãy lựa chọn cho mình 1 mở bài và kết bài theo hướng mở để tạo thiện cảm cho người chấm, một phần kết luận có liên hệ so sánh để làm điểm nhấn cho bài.

Nắm chắc mục tiêu đề muốn hỏi cho ý 2 phần nghị luận văn học. Đây là phần không chiếm quá nhiều điểm nhưng lại được coi là điểm sáng của toàn bài làm. Ví dụ đối với dạng ý giá trị nhân đạo  thì thường làm đầy đủ 4 ý này sẽ đạt điểm tuyệt đối.

  • Khái niệm và biểu hiện của giá trị nhân đạo
  • Nhận xét ( đúng hay sai, có sâu sắc hay không, có kế thừa hay có nét mới gì)
  • Giải thích nguyên nhân tại sao lại có tư tưởng đó.
  • Đóng góp của tư tưởng đó đối với tác giả và diễn đàn văn học.

Học một số châm ngôn nhất định để áp dụng cho phần mở rộng. Kiến thức là vô hạn mà não bộ của con người đều có giới hạn nhất định, chúng ta không thể nhớ được quá nhiều nội dung, thay vì nhớ quá nhiều để rồi bị rối, hay phân chia các câu nói, câu châm ngôn vào các mục khác nhau để chỉ cần đề bài có liên quan tới phần đó, mình có thể áp dụng dễ dàng, ví dụ: câu nói về tình yêu thương, về nghị lực sống,…..

Đối với môn Lịch sử, Kỹ năng mà Hương đúc kết được cho môn sử đó là học theo giai đoạn: tóm tắt được giai đoạn và nắm được các sự kiện lớn để tránh sau này học một chuỗi sự kiện dài cả thế giới lẫn Việt Nam rất khó nhớ và dễ nhầm lẫn.( ví dụ lịch sử thế giới thì học theo các quốc gia trong châu lục, lịch sử việt nam có thể chia thành các giai đoạn như: năm 1919 – 1930, năm 1930 – 1936, năm 1936 – 1945, năm 1945 – 1954,..)

Sau khi đã nắm được ý chính của chuỗi sự kiện rồi mình sẽ học theo bài. Mỗi bài mình sẽ phân chia thành các cấp độ theo ma trận của đề thi thật từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Trong quá trình học mỗi sự kiện thì đối chiếu so sánh với các sự kiện nằm ngoài chương trình lớp 12 vì nó thường được đưa vào. Ngoài học bằng sự kiện, bằng bài thì việc học theo từ khóa là rất hiệu quả. Mỗi từ khóa sẽ được ứng dụng vào một sự kiện nhất định. (Ví dụ nhắc tới cụm từ chiến dịch phản công đầu tiên của VN là sẽ chọn Việt Bắc 1947, chiến dịch tiến  công đầu tiên là Biên Giới 1950,… có được các cụm từ đó thì sẽ thuận lợi cho việc loại trừ đáp án).

Đối với môn Địa lý, Hương lựa chọn phân chia chương trình thành 3 phần: địa lí tự nhiên, địa lí dân cư và địa lí vùng kinh tế, giữa các phần vẫn tiếp tục phân thành 4 cấp độ và học theo từ khóa. Hương chú ý nhất là địa lý vùng kinh tế, vì địa lí vùng có 4/4 đáp án đúng, mình phải lựa chọn đáp án đúng nhất. Đáp án đúng của câu này phụ thuộc nhiều vào yếu tố chủ quan, vì mỗi người ra đề và người dạy có quan điểm khác nhau, từ đó học sinh cũng khó có thể chọn được đáp án đúng.

Chỉ khi thực sự chăm chỉ thì kiến thức bạn nắm được mới chắc chắn

Muốn có được kỹ năng để xử lý đề bài và làm bài thật tốt, các bạn phải thật chăm chỉ và cố gắng học bài, luyện đề nhiều nhưng số lượng đề luyện trong ngày cũng không nên quá nhiều tránh bị lú lẫn kiến thức và mệt mỏi. Chỉ khi thực sự chăm chỉ thì kiến thức bạn nắm được mới chắc chắn, làm bài sẽ không nhầm lẫn và sau khi luyện đề trong một thời gian dài bạn sẽ được làm quen với lộ trình thi và sẽ bớt được cái cảm giác bỡ ngỡ, hồi hộp và lo lắng khi thi thật. Luyện đề cần bám sát ma trận của Bộ, sắp xếp thời gian hợp lý và lựa chọn cho mình những ngành, khoa phù hợp để điền vào bảng nguyện vọng. Trên bảng nguyện vọng cần lựa chọn thêm 1-2 nguyện vọng điểm thấp hơn chút để tránh trường hợp điểm lên cao như năm ngoái, một số bạn 29 – 30 điểm vẫn không đậu đại học.

Bên cạnh đó, các bạn thí sinh cần sắp xếp cho mình thời gian biểu hợp lý để cân bằng giữa việc học tập và nghỉ ngơi, giải trí. Hãy học kiến thức cơ bản thật vững rồi mới học từ từ đến nâng cao. giữ cho mình 1 sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái trước khi vào phòng thi. Dù mình nhận được đề gì, dù các bạn khác có làm được dài hay sao vẫn không quan trọng, hãy thật bình tĩnh để xử lí đề và làm bài thật tốt. Phía sau các em luôn có gia đình, bạn bè là người thân dõi theo, cổ vũ và động viên. Chúc các em có một kỳ thi đạt kết quả cao và thành công.

Trong khuôn khổ chương trình Tiếp sức mùa thi 2022, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long thực hiện chuỗi bài viết về kinh nghiệm “vượt vũ môn” của 40 thủ khoa khắp cả nước ở tất cả 12 khối thi ở nhiều môn thi. Tuyển tập “bí kíp có 1 không 2” từ chính các thủ khoa này sẽ là trợ thủ đắc lực để các sĩ tử đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi quan trọng.

TÙNG LÂM