Sĩ tử chủ động đối phó với các bệnh giao mùa

Giai đoạn cao điểm ôn thi cũng là giai đoạn giao mùa từ xuân sang hè với thời tiết, độ ẩm không khí thay đổi thất thường, dễ gây bệnh đường hô hấp. Vì vậy, hiểu biết về nguy cơ này và chủ động phòng chống sẽ giúp các sĩ tử có sức khoẻ tốt, tập trung toàn lực cho ôn thi. 

Dù đang ở độ tuổi vị thành niên với sức khỏe tốt, các sĩ tử vẫn dễ mắc bệnh hô hấp và các bệnh khác khi giao mùa vì đây là lúc thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp hoạt động mạnh.

Các bệnh thường gặp khi giao mùa  

Viêm đường hô hấp: Khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, các loại vi rút dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và phá vỡ hệ thống đề kháng chưa hoàn chỉnh, nhất là hệ hô hấp làm cho chúng ta bị viêm phế quản, viêm đường hô hấp, viêm phổi. Bệnh lây truyền qua đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay và các đồ dùng để ăn uống. Khi bị viêm đường hô hấp, các sĩ tử có thể sốt cao đột ngột, đau đầu, lạnh toàn thân, đau toàn thân; đau họng, ho, mệt mỏi; chán ăn, khó thở, tiêu chảy nhẹ…

Cảm cúm: đây là một bệnh về hô hấp khiến người bệnh bị nhiễm trùng ở mũi, họng và đôi khi là phổi. Các triệu chứng cảm cúm thường xuất hiện đột ngột, bao gồm sốt, đau nhức, cảm thấy mệt mỏi, ho khan, bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, ho, đau họng, chán ăn,…

Các bệnh hô hấp thường gặp có thể làm cạn kiệt năng lượng của người trẻ giữa mùa thi cử. 

Sốt xuất huyết: Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu virus Dengue (DEN) gây ra. Bệnh sốt xuất huyết có 2 triệu chứng điển hình là sốt và xuất huyết (chảy máu). Bệnh sốt xuất huyết có thể khiến cho cơ thể người bệnh trở nên đau nhức, đặc biệt là ở cơ và các khớp. Sốt xuất huyết dạng nhẹ có thể gây phát ban, sốt cao, dạng nặng thì có thể gây chảy máu, giảm huyết áp đột ngột và khiến người bệnh tử vong nhanh chóng.

Hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Việc điều trị sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu là nhằm điều trị triệu chứng. Do đó, cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Sốt phát ban: Sốt phát ban thường gây ra bởi vi rút sởi hoặc vi rút Rubella. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Biểu hiện của bệnh là mệt mỏi, đau đầu, sổ mũi, đau họng, viêm kết mạc mắt, niêm mạc vòm họng, có thể xuất hiện những chấm xuất huyết nhỏ. Ở vị trí gần hai bên cổ, sau tai của người bệnh sẽ xuất hiện hai hạch sưng to và đau. Trên da sẽ xuất hiện những nốt đỏ nhỏ li ti ở vùng mặt rồi sau đó lan nhanh ra toàn thân và chân tay. Người bệnh bị sốt, nổi ban đỏ khắp người, nhiều nhất ở thân mình và tứ chi.

Đau mắt đỏ: có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ như vi rút, vi khuẩn, có thể do tác nhân môi trường, hóa chất. Vào mùa dịch thì bệnh chủ yếu do nhiễm vi rút adenovirus.

Bệnh có biểu hiện đặc trưng là đỏ mắt, người bệnh còn bị sưng nề mi mắt, cảm thấy cộm xốn, chảy nước mắt và đặc biệt là chảy nhiều ghèn. Bệnh đau mắt đỏ thường kéo dài trong khoảng hai tuần và hầu hết tự khỏi. Tuy nhiên nếu không được điều trị đúng có thể gây ra các biến chứng nặng như: nhiễm trùng mắt, viêm loét giác mạc, thủng giác mạc, viêm tổ chức tại mắt hoặc nặng nhất có thể gây mù mắt.

Tay – chân – miệng: Giao mùa chính là thời điểm dễ bùng phát các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh tay chân miệng. Bệnh tay chân miệng lây lan rất nhanh và dễ bùng phát thành dịch, thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi nhưng vẫn có thể xuất hiện ở thanh thiếu niên và người lớn. Hiện nay, các bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán sớm bệnh tay chân miệng ngay ngày đầu tiên xuất hiện triệu chứng.

Chủ động phòng tránh

Để hạn chế các bệnh giao mùa làm gián đoạn việc học tập, các sĩ tử nên chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà…

Chế độ dinh dưỡng của các thí sinh cần đủ chất, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng các sĩ tử nên ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Cần bổ sung một số thực phẩm có tác dụng tăng sức đề kháng như rau xanh (súp lơ xanh, nấm..). Các loại trái cây thuộc họ cam quýt như cam, bưởi là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, các loại thực phẩm như cá, thịt bò, tỏi cũng sẽ giúp cơ thể chống chọi với các nguy cơ gây bệnh tốt hơn.

Các sĩ tử cũng nên uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

Nạp thêm vitamin C để tăng cường đề kháng lúc giao mùa. 

Tập thể dục để tăng cường đề kháng là điều không thể thiếu và cần tăng cường độ tập luyện vào những ngày giao mùa. Đừng quên khởi động kỹ các khớp, cơ và bắp trước khi tập để đốt nóng cơ và phòng tránh nguy cơ bị chuột rút. Sự thay đổi nhiệt độ giữa hai mùa sẽ khiến dễ có nguy cơ bị cảm lạnh vào những buổi sáng và buổi tối. Chính vì thế, khi luyện tập, nên chú ý việc lựa chọn trang phục phù hợp với nhiệt độ của môi trường.

Đeo khẩu trang để phòng bệnh là một việc đơn giản nhưng hiệu quả để ngăn ngừa virus, vi khuẩn lây qua đường hô hấp. Khi tới bệnh viện, khi ở gần nguồn lây nhiễm, hoặc khi có dịch càng cần chú trọng đeo khẩu trang đúng cách.  Khi bản thân có các triệu chứng như hắt hơi, ho… nên đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho người khác.

Ngoài các biện pháp về dinh dưỡng và luyện tập thể chất, việc giữ một tinh thần thoải mái lúc ôn thi căng thẳng sẽ là “bài thuốc” hữu dụng để các sĩ tử vượt qua nỗi lo bệnh tật hay căng thẳng. Để tinh thần thoải mái, vui tươi, các sĩ tử nên cân bằng giữa việc học và các hoạt động thư giãn giải trí để duy trì nguồn năng lượng tích cực, vượt qua nỗi sợ hãi thi cử và bệnh tật.

    Đăng ký ôn tập 1 kèm 1 miễn phí