Vượt qua căng thẳng trong phòng thi

Khi hoang mang trong phòng thi, hãy tự nhủ rằng lo lắng là trạng thái bình thường nhưng bạn không còn nhiều thời gian cho nỗi sợ hãi nữa mà hãy vượt qua bằng cách tập trung toàn lực cho bài thi đang ở trước mắt bạn.

Lo lắng là điều bình thường

Các chuyên gia sức khỏe cho rằng khi vừa nhận giấy thi, các thí sinh thường bắt đầu run tay,  đánh trống ngực hay đổ mồ hôi…Đây là những phản ứng hết sức bình thường của cơ thể trước một kỳ thi quan trọng. Tất nhiên, mức độ lo lắng khi thi là khác nhau ở mỗi người. Một số người có thể chỉ cảm thấy nôn nao trong bụng nhưng cũng có người lo lắng đến độ không thể tập trung thi. Sự sợ hãi quá mức có thể khiến bạn khó tập trung và không nhớ những kiến thức và kỹ năng mình chuẩn bị cho kỳ thi.

Nếu gặp biểu hiện căng thẳng này bạn có thể tự nói với bản thân rằng: “Các thí sinh khác cũng đang lo lắng như mình thôi, khi đọc đề mình sẽ quên hết mọi lo lắng”. Bằng cách hướng sự chú ý và tập trung của não vào bài thi, các sĩ tử sẽ tạm quên đi những áp lực và lo lắng.

Lo lắng, sợ hãi trong phòng thi là điều ai cũng gặp phải, quan trọng là phải bình tĩnh để vượt qua. 

Đồng thời, dù lo lắng hãy tạo động lực cho bản thân bằng cách tự nhủ: “Mình sẽ chiến đấu hết sức và không hối hận”. Một chút tinh thần “chiến binh” và tinh thần “hơn thua” trong một “cuộc chiến” sẽ giúp bạn hăng hái “chiến đấu hết mình” trong những phút cân não phía trước.

Bắt đầu bằng những điều dễ dàng 

“Dễ trước khó sau” là luôn là một chiến thuật hiệu quả để vừa đạt điểm cao vừa ổn định tâm lý. Khi giải quyết những câu hỏi dễ và chắc chắn sẽ “ăn điểm”, các thí sinh sẽ có thêm động lực để tiến đến những câu hỏi tiếp theo.

Đối với những đề thi chưa biết cách làm, cá chuyên gia khuyên rằng sĩ tử nên tránh tình trạng càng không hiểu, càng nhìn nó nhiều, và càng nhìn nó nhiều, càng lo lắng. Vì vậy, nếu gặp những câu khó hoặc chưa thể tìm ra cách giải tốt nhất, hãy mạnh dạn bỏ qua câu hỏi đó, tránh việc dừng lại ở một câu hỏi quá lâu khiến bản thân căng thẳng và phí phạm thời gian. Hãy quay quay lại và làm những câu hỏi mà trước đó bạn không hiểu khi đã giải quyết hết các câu hỏi dễ và lúc đó, biết đâu bạn đã không còn lo lắng nữa và nảy ra những ý tưởng mới.

Hít thở sâu khi “mắc cạn”

Khi đã giải quyết hết các câu hỏi dễ và đang “mắc cạn” ở những câu hỏi “hóc búa”, bạn hãy hít một hơi thật sâu và uống một ngụm nước lọc. Hai phương pháp này sẽ giúp bạn giải tỏa hết mọi căng thẳng và đôi lúc, gợi mở những hướng đi mới cho câu hỏi.

Đừng bị phân tán

Trong phòng thi không chỉ có một mình bạn mà còn có đến 1001 tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Vậy nên, dù gặp phải những tình huống nhỏ như đồng đội liên tục xin giấy làm nản lòng bạn hay những tình huống phức tạp hơn như bạn cùng thi ngất xỉu hoặc bạn thí sinh khác bị lập biên bản vì gian lận, bạn cũng không nên quá dao động, xao nhãng trước những tình huống đó.

Hãy ghi nhớ rằng việc của bạn lúc này là tranh thủ từng giờ từng phút để “ăn điểm”. Bạn có thể tưởng tượng rằng trong phòng thi lúc này chỉ có một mình bạn đang đối diện với bài thi của mình, những tác động bên ngoài đều không quá quan trọng.

Chủ động chuẩn bị từ trước

Các chuyên gia giáo dục khuyên rằng sự căng thẳng là không tránh khỏi và sự chủ động chuẩn bị là cách tốt nhất để giảm tối thiểu áp lực trong phòng thi.

Bước đầu tiên, để tránh gặp phải sự hoảng loạn do bút hỏng hoặc thiếu đồ dùng thi cử, bạn hãy kiểm tra kỹ trước khi đi thi hoặc nhờ bố mẹ kiểm tra thật kỹ.

    Đăng ký ôn tập 1 kèm 1 miễn phí