Những con số biết nói về tâm lý mùa thi

Những con số biết nói về tâm lý mùa thi

Ghi nhớ những con số này sẽ giúp các sĩ tử vững tâm lý, đạt trạng thái tinh thần tốt nhất để chinh phục kỳ thi đại học thử thách phía trước.

80% – 20%: Các chuyên gia giáo dục đánh giá rằng để thu về một kết quả tốt trong kỳ thi đại học, yếu tố về kiến thức chiếm 80% và tâm lý chiếm 20% cơ hội. Điều này có nghĩa là càng ôn luyện kiến thức vững vàng, bạn càng đứng trước nhiều cơ hội thành công. Trong khi đó, 20% từ sự ổn định tâm lý phụ thuộc lớn vào 80% của quá trình ôn luyện vì khi đã chắc kiến thức, bạn càng tự tin trước đề thi và có tâm lý ổn định suốt quá trình thi.

Tuy nhiên, đừng nhìn vào con số 80% – 20% này mà xem nhẹ yếu tố tâm lý tốt trong mùa thi. Trong thực tế, không thiếu trường hợp thí sinh ôn luyện kỹ và đã sở hữu 80% “công lực” kiến thức nhưng không thể hoàn thành tốt phần thi do quá căng thẳng, hồi hộp. Nhiều thí sinh chia sẻ rằng rõ ràng khi ôn luyện, các bạn dễ dàng tìm ra hướng giải đề nhưng khi vào phòng thi, đầu óc các bạn lại rối bời, tay chân run bần bật nên không thể đạt phong độ tốt nhất. Khi đó, 20% về tâm lý này đôi khi lại trở thành yếu tố quyết định thành bại của một kỳ thi. Chính vì vậy, lời khuyên dành cho sĩ tử là chú tâm ôn luyện kiến thức hết sức mình và biết lắng nghe bản thân để có tâm lý thoải mái suốt mùa thi.

Để chiến thắng trong kỳ thi đại học, các sĩ tử cần chiến lược ôn luyện thông minh và tinh thần thép. 

Zero chất kích thích: Nói không với các chất kích thích như cafe, trà là cách để các thí sinh đạt trạng thái tinh thần ổn định. Nhiều sĩ tử lầm tưởng rằng các chất kích thích như trên giúp tỉnh táo hơn trong lúc ôn bài. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khoẻ lại cho rằng trà hay cafe không phù hợp với các bạn học sinh cấp 1 đến cấp 3. Uống nhiều chất này, cơ thể các học sinh sẽ gặp những vấn đề như chóng mặt, căng thẳng, buồn ngủ, ói mửa, ngất xỉu… Khi cơ thể hấp thụ nhiều caffein, tim sẽ đập nhanh hơn dễ dẫn đến nguy cơ đau tim.

Cảm giác tỉnh táo khi nạp thêm cafe hay trà thường chỉ là tạm thời. Có thể cafe giúp sĩ tử thức khuya hơn nhưng nó không thể giúp tập trung. Điều này khiến vừa không ôn luyện tốt, vừa không ngủ đủ giấc ảnh hưởng đến kết quả học tập lẫn tinh thần.

Ít nhất 6 tiếng ngủ mỗi ngày: Nhiều học sinh bị “ám ảnh” rằng nếu không thức đêm hôm học bài thì chứng tỏ mình chưa đủ siêng năng và “không xứng đáng để thi đậu”.  Nỗi sợ hãi này khiến nhiều thí sinh ép mình thức khuya dẫn đến thiếu ngủ trầm trọng. Hậu quả của thiếu ngủ biểu hiện ngay lập tức như cơ thể mệt mỏi, đầu óc kém minh mẫn…Nghiêm trọng hơn, tình trạng thiếu ngủ kéo dài làm ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý khiến thí sinh rơi vào trạng thái lo lắng, bồn chồn, suy nhược thần kinh…

Trước ngày thi, các sĩ tử nên “buông bỏ” hết mọi kiến thức và lo âu để ngủ một giấc thật ngon và thật sâu để não bộ có một sức chiến đấu tốt nhất. “Có ngủ mới vực được được đạo” – đây nên là phương châm mà các sĩ tử nên thuộc lòng để khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần.

2 lít nước mỗi ngày: Thiếu nước có thể làm tăng mức độ cortisol – hormone gây căng thẳng. Toàn bộ các cơ quan trong cơ thể cần lượng nước cao, khi cơ thể bị mất nước, quá trình trao đổi chất bị xáo trộn và gây ra căng thẳng. Nước không chỉ giúp cơ thể hoạt động trơn tru mà còn được xem là “bài thuốc” giải toả căng thẳng. Trong quá trình ôn luyện, các thí sinh nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe cho mùa thi.

15s hít thở sâu: Trong phòng thi, bạn không thể tránh khỏi những lúc hồi hộp, lo âu, thậm chí là hoảng loạn. Sự căng thẳng này là điều thí sinh nào cũng gặp phải khi đứng trước một kỳ thi quá quan trọng. Các sĩ tử có thể vượt qua giây phút hỗn loạn đó mặt cách hít thở thật sâu. Hãy hít một hơi thật đầy bằng bụng cho đến khi bụng căng rồi từ từ thở hết ra. Khi thực hiện động tác này, các sĩ tử cần quên hết mọi thứ xung quanh, chỉ tập trung vào hơi thở. Từng hơi thở ra chính là cách giải tỏa hết mọi căng thẳng và nạp vào một nguồn năng lượng mới. Chỉ với 15s cho việc hít thở này, bạn sẽ bình tĩnh hơn để chiến đấu mạnh mẽ hơn trong phòng thi.

30 phút đến sớm: Các sĩ tử có thể giảm bớt những áp lực căng thẳng khi đến sớm 30 phút trước khi bắt đầu vào phòng thi. Điều này khá dễ hiểu vì việc đi sớm vừa giúp bạn có thời gian xử lý những tình huống bất ngờ vừa giúp bạn ung dung, thoải mái, yên tâm hơn. Thử tưởng tượng bạn sẽ hoảng loạn ra sao nếu vừa đi thi vừa lo trễ giờ thi. Vì vậy, chẳng có lý do gì mà bạn không tránh những lo âu không cần thiết đó bằng cách đi sớm hơn.

2 đồ dùng học tập để dự phòng: Những tai nạn tưởng như hi hữu như máy tính hư, bút hết mực… lại hoàn toàn có thể xảy đến với bất cứ thí sinh nào. Và thật khó để bạn bình tĩnh xoay sở nếu như máy tính hư giữa lúc bạn đang giải đề. Vì vậy, để “chắc ăn”, hãy cứ “thủ sẵn” số lượng nhiều hơn một cho mỗi vật dụng cần thiết. Chủ động phòng tránh những rủi ro sẽ giúp thí sinh bớt lo âu căng thẳng.

0 chiếc điện thoại: nhiều chuyên gia cho biết mang theo điện thoại là mang theo những nỗi bất an vào phòng thi. Nếu vừa làm bài, bạn vừa thấp thỏm lo âu sẽ bị giám thị lập biên bản vì điện thoại thì bạn khó lòng làm bài tốt. Vậy nên, đừng mua thêm những rắc rối không đáng có trong kỳ thi vốn nhiều căng thẳng bằng cách để điện thoại ở nhà hoặc gửi cho các bậc phụ huynh.

Không dò đáp án sau khi thi: Việc dò đáp án là vô nghĩa khi đã thi xong vì dù có sai, bạn cũng không thể sửa lỗi nữa. Việc kiểm tra đáp án này còn làm các sĩ tử mất tinh thần, hoang mang dễ ảnh hưởng đến môn thi sau. Mỗi thí sinh nên “môn nào qua rồi thì cho qua luôn”, gạt bỏ “quá khứ” để tập trung hết sức vào môn thi tiếp theo.

    Đăng ký ôn tập 1 kèm 1 miễn phí