Từ bỏ giấc mơ du học trời Âu để theo đuổi đam mê của bản thân và trở thành thủ khoa đầu vào khối N00 trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW

Lê Hạnh Như – Sinh viên khóa 7 chuyên ngành Piano – Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (Hà Nội). Trở thành thủ khoa đầu vào khối N00 với số điểm: 46.66/50 (Môn chuyên ngành Piano :10; Môn Văn 8.1 và môn Kiến thức âm nhạc cơ bản 9.5). Hãy cùng tham khảo những chia sẻ quý báu của bạn ấy nhé!

Quá trình đưa mình đến với Piano

Từ khi mình còn bé, ngoài việc học trên trường ra, gia đình đã luôn muốn mình được tiếp cận với các môn năng khiếu (thể thao, vẽ, âm nhạc..) vừa để mình đỡ nhút nhát và vừa để sau này mình đi đâu mình cũng có thể tự tin hòa nhập được dễ dàng hơn. Đến khi mình đi học mẫu giáo, bà với mẹ thấy mình có vẻ có năng khiếu với piano vì mình có thể tự mò trên đàn đồ chơi các bài hát được học trên lớp nên mẹ đã cho mình đi học đàn. Rồi dần dần trong quá trình học, nhận được nhiều lời động viên từ cô giáo và người thân trong gia đình, đam mê âm nhạc trong mình ngày càng lớn.

Khó khăn khi quyết định theo nghề

Vì gia đình mình không ai theo nghệ thuật, hơn nữa ai cũng biết đến Piano là một môn nghệ thuật “đắt đỏ của giới nhà giàu”, nên dù biết mình có năng khiếu và có đam mê với âm nhạc, nhưng gia đình chỉ định cho mình học piano để cho biết thôi, chứ không bao giờ nghĩ là mình sẽ theo học Piano chuyên nghiệp cả. Đến những năm học cấp 3, mình đã bắt đầu đi học tiếng Đức để chuẩn bị đi du học Đức bậc Đại học. Nhưng đến giai đoạn mình chọn ngành học và chuẩn bị các giấy tờ còn thiếu cho hồ sơ đi Đức, mình mới nhận ra mình không thực sự thích ngành gì ngoài Piano cả. Trong giai đoạn mình đang âm thầm tìm hiểu thêm về ngành Piano xem liệu mình có cơ hội khi quay đầu muộn thế này không. Khi mình đang một mình hoang mang bơi trong biển thông tin trên mạng, thì trong một lần đi diễn, mình có duyên gặp được hai thầy cô đều là những người rất giỏi trong nghề. Khi biết mình muốn học tiếp lên Piano chuyên nghiệp, hai thầy cô đã rất tận tâm giúp đỡ, dẫn dắt, thậm chí còn gặp gia đình mình để động viên cho mình theo nghề. Nên mình thấy, bản thân chúng ta nỗ lực chỉ là 1 phần nhỏ thôi. Nếu không có thầy cô và gia đình luôn bên cạnh dạy dỗ, động viên, giúp đỡ, cùng với một chút sự may mắn thì chúng ta sẽ không đạt được kết quả thi đầu vào tốt như vậy đâu.

Phương pháp học cho các bạn thí sinh tham khảo

Với môn Ngữ văn, vì khối ngành xét tuyển của mình là khối N00, nên mình quyết định xét tuyển theo điểm học bạ luôn chứ không dùng điểm thi tốt nghiệp THPT nữa để tập trung vào các môn chuyên ngành. Với môn Kiến thức âm nhạc cơ bản (Hệ số 2), môn này thì mình lại không có nhiều bí kíp để chia sẻ với các bạn lắm. Đúng theo tên của môn thi, các bạn chỉ cần nắm chắc các kiến thức âm nhạc cơ bản là được rồi. Nắm chắc ở đây ý mình không phải học thuộc làu làu các kiến thức lý thuyết trong sách vở, mà các bạn phải nắm chắc theo kiểu hiểu và tự diễn đạt được theo cách của mình ấy. Khi đó các thầy cô chấm thi hỏi vấn đáp, kể cả câu hỏi có được diễn đạt theo cách khác đi, hay có hơi “xoắn não” một chút thì các bạn vẫn có thể ứng biến và làm được tốt. Với môn Piano (Hệ số 2), mình nghĩ đến thời điểm này thì bài thi môn 3 của các bạn cũng đã đang đến giai đoạn hoàn thiện rồi. Mà vì là chuyên ngành biểu diễn, nên mình sẽ chia sẻ thêm với các bạn một vài bí kíp để các bạn cảm thấy tự tin hơn phần nào nhé! 

Đừng cố chọn bài khó, mà hãy chọn bài thi phù hợp với khả năng và điểm mạnh của các bạn

Nếu các bạn có bàn tay nhỏ, đừng chọn những tác phẩm có nhiều quãng rộng còn nếu các bạn hay bị ríu ngón ở các đoạn chạy dài, hãy chọn những tác phẩm có tempo thong thả, sâu lắng,… Các bạn chỉ có khoảng từ 15-30 phút ít ỏi trên sân khấu để thể hiện ra những gì tốt nhất của mình thôi, nên hãy chọn chương trình thi thật sáng suốt, để tâm lý các bạn thoải mái và có cảm giác chắc chắn rằng mình sẽ làm được nhé.

Hãy làm quen dần với áp lực và cảm giác biểu diễn trên sân khấu

Sau khi tập luyện kỹ các bài thi rồi, các bạn có thể chạy từ đầu đến cuối chương trình thi để luyện sức bền trên sân khấu; để luyện tập chuyển đổi cảm xúc, trạng thái trong khoảng tgian nghỉ giữa các tác phẩm trong lúc thi. Rồi sau đó các bạn có thể nhờ người thân, bạn bè ngồi xem mình biểu diễn để quen với đám đông, hoặc ra các quán cafe hay TTTM có đàn để diễn thử. Như thế các bạn cũng luyện được thêm cách ứng biến, thích nghi với nhiều không gian biểu diễn và nhiều chiếc đàn khác nhau. Điều cuối cùng, cũng là quan trọng nhất, đó là các em hãy trình diễn trên sân khấu với tâm thái như một nghệ sĩ thực thụ, cố gắng đừng nghĩ là mình đang đi thi nhé. Các thầy cô của mình hay dặn là:”Hãy luôn lắng nghe và tự thưởng thức tiếng đàn của chính mình trên sân khấu. Vì khi các em tạm quên hết đi mọi thứ đang diễn ra xung quanh, khi các em chơi đàn bằng tất cả tấm lòng của mình và các em tự yêu bản nhạc mình đang chơi, thì mình tin là người nghe cũng sẽ yêu thích nó thôi”.

Đôi lời nhắn nhủ tới Sĩ tử 2k4

“Các em à, chị rất tin vào câu ‘Nghề chọn người chứ người không chọn được nghề’, đặc biệt là với các ngành Nghệ thuật thì điều đó phản ánh càng rõ. Đừng lo lắng và nghĩ nhiều quá đến kết quả mình sẽ đỗ hay trượt, hãy cứ cháy hết mình với đam mê, hãy cứ tin vào bản thân và làm hết sức trong khả năng của mình các em nhé! Ngày thi đã đến rất gần rồi, chị chúc những điều may mắn và tốt đẹp nhất sẽ đến với các em” – Như chia sẻ.

Trong khuôn khổ chương trình Tiếp sức mùa thi 2022, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long thực hiện chuỗi bài viết về kinh nghiệm “vượt vũ môn” của 40 thủ khoa khắp cả nước ở tất cả 12 khối thi ở nhiều môn thi. Tuyển tập “bí kíp có 1 không 2” từ chính các thủ khoa này sẽ là trợ thủ đắc lực để các sĩ tử đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi quan trọng.

Minh Thắng