Gia đình – nguồn cảm hứng, động lực cho Mai Hồng Ngọc cô thủ khoa khối D Ngoại thương đạt thành tích cao trong kỳ thi THPT Quốc Gia.

Những kiến thức cần có để ôn luyện bộ môn Toán, Văn, Anh. Cùng thủ khoa Ngoại thương khối D01 Mai Hồng Ngọc khám phá bí quyết của bản thân em đã tích lũy từ quá trình học tập, ôn luyện, và thi cử.

Ngọc đã chọn ngôi trường Ngoại thương là điểm dừng chân tiếp theo của em trên con đường học vấn vì rất nhiều lí do song có lẽ có 2 lí do mà Ngọc cho là tác động lớn nhất đến quyết định đó. Lí do đầu tiên đó là do bản thân em luôn rất ngưỡng mộ chị gái mình – một FTUer K52 và theo một góc nhìn nào đó, chị luôn là kim chỉ nam trong mọi quyết định của em, vậy nên từ khi còn bé em đã đặt mình phải cố gắng được như chị và phải trở thành FTUer. Lí do thứ 2 đó là do em cảm thấy mình rất thích môi trường Ngoại thương, một môi trường năng động, nhiệt huyết, tràn đầy sức sống và đây cũng là nơi nuôi dưỡng rất nhiều tài năng, trí tuệ và những con người tuyệt vời. Ở Ngoại thương, với một bạn ưa thích các hoạt động Đoàn hội, hoạt động ngoại khóa và sẵn sang lăn xả vào mọi chương trình như em thì chắc chắn sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển và thỏa mãn những mong muốn, dự định của bản thân. Không chỉ vậy, đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo ở Ngoại thương cũng rất phong phú, chuyên nghiệp và tận tâm. Chỉ mới gần hết năm nhất thôi nhưng em đã có được rất nhiều những trải nghiệm quý báu tại mái nhà FTU.

Phân vân giữa nhiều lựa chọn…

Sau khi chọn được ngôi trường mơ ước của mình, em bắt đầu bắt tay vào lựa chọn chuyên ngành mình muốn học. Có thể nói vấn đề chọn ngành học vẫn luôn là một bài toán khó đối với mỗi bạn học sinh chuẩn bị bước vào cánh cửa đại học. Bản thân Ngọc cũng từng như vậy, từng suy nghĩ rất nhiều về việc lựa chọn chuyên ngành nào sao cho đúng. Đúng ở đây với quan điểm của em còn bao gồm rất nhiều yếu tố khác nhau dưới nhiều phương diện, hình thức. Liệu chuyên ngành đó có thể mang lại cơ hội việc làm cho mình không, có cơ hội được phát triển bản thân hay không, hoặc có thể đáp ứng được những dự định, nguyện vọng sau này không. Và một yếu tố không thể không nhắc đến nữa đó là liệu nó có phải đam mê hay sở thích của mình và có được gia đình ủng hộ hay không. Việc lựa chọn giữa cái mình muốn, cái mình giỏi, cái gia đình muốn luôn luôn khó khăn, nhưng rất may mắn cho em khi cả bố mẹ và gia đình đều ủng hộ quyết định lựa chọn của em vì vậy nên có lẽ phần khó khăn trong quá trình này của em đã được giảm bớt. Ban đầu trước khi đặt bút viết nguyện vọng đại học, em đã đắn đo giữa việc học kinh tế hay học ngoại ngữ trong khi cả 2 chuyên ngành này đều rất tiềm năng. “Lúc ấy, em đã tự vẽ ra 2 con đường cho bản thân. Một là học ngoại ngữ rồi trau dồi thêm kiến thức kinh tế bằng văn bằng 2, một con đường khá vất vả khi phải cân cả 2 văn bằng. Hai là học kinh tế rồi tự học ngoại ngữ và thi chứng chỉ, con đường thứ hai có vẻ sẽ vẫn đưa đến kết quả giống con đường đầu tiên nhưng nghe qua thì có vẻ nhẹ nhàng hơn. Song còn một lí do khiến em càng đắn đo đơn, đó là “Em sợ học toán” mà sợ học toán thì sao có thể học kinh tế và trường kinh tế được”: Ngọc chia sẻ.

Tuy nhiên đến cuối cùng, sau khi cân nhắc cẩn thận các yếu tố, em đã quyết định lựa chọn thử sức mình với Kinh tế đối ngoại của Ngoại thương – một chuyên ngành mà Ngọc cho rằng khá phù hợp với bản thân em bởi hai từ “Đối ngoại”. Một phần là để lấy làm động lực cố gắng, một phần là vì em cảm thấy học ngành nào cũng sẽ có những đặc thù và khó khăn riêng, miễn sao bản thân cảm thấy mình có thể khám phá được nhiều hơn ở mọi lĩnh vực là được. Ngoài ra, hiện tại những vấn đề kinh tế luôn rất thú vị và thu hút được sự quan tâm của nhiều người, còn ngoại ngữ chúng ta vẫn luôn có thể trau dồi liên tục trong khoảng thời gian còn lại và với mình mọi sự cố gắng và nỗ lực đều có thể tạo nên kỳ tích. Chuyên ngành kinh tế đối ngoại với không chỉ riêng Ngọc mà còn nhiều bạn khác nữa là một ngành hot và đòi hỏi số điểm đầu vào rất cao, vì vậy nó lúc nào cũng thu hút nhiều thí sinh đăng kí vào. Tuy nhiên thì Ngọc cũng có một lời khuyên nho nhỏ cho các bạn sĩ tử 2004 sắp tới: “Hãy chọn ngành và nguyện vọng dựa trên khả năng và sự cố gắng của mình cũng như là phù hợp với tình hình hiện tại và hãy lựa chọn 1 cách khôn ngoan sao cho luôn để đường lui cho bản thân mình với những “nguyện vọng lót” các em nhé”

Ôn thi của Mai Hồng Ngọc thủ khoa D01 có gì khác?

Quay lại khoảng thời gian ôn thi đầy chông gai thì với cảm nhận của Ngọc, có 3 yếu tố chính đã giúp em đạt được số điểm vượt mong đợi như vậy đó là áp lực, chăm chỉ và người bạn đồng hành. Có lẽ là đọc đến đây thì ai cũng khá ngỡ ngàng khi 1 trong 3 lí do lại là áp lực. Thường thường, ai cũng sẽ nghĩ áp lực nó là một cái gì đó rất tiêu cực và né được nó càng nhiều càng tốt. Nhưng với Ngọc, càng áp lực thì lại càng có được thành quả như mong đợi. Là một học sinh có nền tảng rất bình thường và không có quá nhiều thành tích học tập nổi bật trong suốt thời gian đi học, nên việc yêu thích và mong muốn được trở thành 1 Sinh viên Ngoại thương với mình là điều khá khó bởi Ngoại thương luôn được biết đến là ngôi trường với nhiều “học bá”, năng động, giỏi giang. Vì vậy, từ khoảnh khắc xác định sẽ đặt trọn 4 năm đại học tại Ngoại thương, trở thành “Người Ngoại thương” đã có những áp lực đến với em. Sự kỳ vọng của gia đình cũng là 1 trong những nguyên do làm sự áp lực đó tăng thêm. Đỉnh điểm, đó là lúc chỉ còn 3 tháng là đến kì thi song điểm thi thử Toán của em vẫn ở mức trung bình khá, lượng kiến thức vẫn chưa thể tổng hợp được. Và dĩ nhiên, một đứa học sinh ôm tham vọng vào FTU như em lại càng cảm thấy áp lực và căng thẳng nhiều hơn. Em đã từng rơi vào khủng hoảng song khi nghĩ đến việc sẽ có cơ hội trở thành FTUer và sự ủng hộ, đồng hành của những người bạn, em dần lấy lại được ổn định, biến những áp lực đó trở thành động lực, học hành chăm chỉ hơn, chăm hỏi thầy cô, bạn bè. Đặc biệt, khoảng thời gian đó, em đã có một “Cộng sự” tuyệt vời – Người bạn thân của em luôn là người hỗ trợ em trong môn mình sợ hãi nhất, và cuối cùng giúp em bứt phá được với số điểm đáng mong đợi. Ngoài ra, các thầy cô cũng là những “Người đồng hành” xịn sò của em, luôn luôn cởi mở và tận tình giải đáp mọi thắc mắc, chữa từng lỗi trong bài thi cho em và để em được như ngày hôm nay. Và cũng không thể không nhắc đến một nhân tố bí mật mà có thể là ai cũng biết đã giúp em vượt vũ môn thành công đó chính là gia đình. Thực sự thì gia đình đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho em trong giai đoạn đầy thử thách 1 năm trước. Đặc biệt là mẹ và chị gái – 2 người phụ nữ bản lĩnh đã tiếp thêm cho con bé 17 tuổi là em khi đó rất nhiều sức mạnh, là người luôn cổ vũ tinh thần, động viên và trò chuyện với em mỗi lúc em quá căng thẳng. Và bố – người đàn ông trụ cột trong gia đình cũng không quản ngày đêm chăm lo cho cô con gái thứ 2 ôn thi mặc dù ít nói nhưng lại thể hiện tình cảm và sự ủng hộ bằng hành động của mình. Ngọc chia sẻ: “Em còn nhớ bố đã chuẩn bị sẵn rất nhiều đồ ăn và đồ dùng cần thiết rồi để chỗ tiện nhất cho em vì sợ con đói hoặc mệt hay sợ con thiếu thời gian học. Rồi đến hôm “ra trận”, bố là người đã đưa em đi thi và chờ đợi suốt 3 ngày thi đầy căng thẳng đó”.

Và theo quan điểm cá nhân của Ngọc, không quan trọng là bắt đầu sớm hay muộn, chỉ cần bạn biết sắp xếp thời gian thông minh và hợp lí, mọi thứ đều đâu vào đó, quan trọng rằng bản thân cần biết lúc nào cần giữ sức, lúc nào cần tăng tốc, ôn thi cũng giống như đi chạy vậy, nếu các bạn dồn quá nhiều sức vào đoạn đường đầu, thì đến khi gần đến đích, bạn sẽ mất gần hết sức lực cần có dẫn đến kết quả không mong muốn.

Ngọc đã chia lúc ôn thi ra làm từng giai đoạn nhỏ (3 giai đoạn), mỗi giai đoạn sẽ có mục tiêu khác nhau, và đặt mục tiêu điểm số tăng dần theo thời gian. Tất cả các môn, trong giai đoạn đầu, em sẽ chú tâm vào việc nắm chắc kiến thức cơ bản, thành thạo các dạng bài tập ở mức 1-2 cũng như ghi nhớ được những phần lý thuyết cần thiết. Đến giai đoạn tiếp theo, chủ yếu em tập trung vào mức 3 và không để sai các dạng ở mức 1-2. Tiếp đó là giai đoạn cuối cùng, em đã dồn toàn lực để luyện đề, mỗi đề đều làm cẩn thận và chữa thật kỹ để tìm ra lỗi sai hoặc lượng kiến thức bị hổng để kịp thời “lấp đầy” lỗ hổng đó. Sau mỗi đề, em cũng đã tự lập 1 bảng tổng hợp tất cả các lỗi và cập nhật tiến độ theo từng ngày. Ngoài ra, tùy thuộc vào đặc thù của mỗi môn thi thì em sẽ có sự điều chỉnh khác nhau. Hơn hết, trong suốt quá trình này, chúng ta cần thật sự quyết tâm, cố gắng và chăm chỉ để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Nếu điều kiện cho phép, học nhóm cũng là 1 lựa chọn khá hữu ích.

Đó là một phần nho nhỏ về câu chuyện trong kỳ thi THPT Quốc gia 2021 của Ngọc. Cuối cùng, Ngọc muốn nhắn nhủ đến các bạn sĩ tử 2004 chuẩn bị vượt vũ môn rằng: “Các em thân mến, cho dù năm học vừa qua lại là một năm đầy biến động với tất cả chúng ta, đòi hỏi các em phải cố gắng rất nhiều để khắc phục mọi khó khăn đó. Song chị tin rằng, từ câu chuyện của chính bản thân chị và nhiều anh chị khác, các em sẽ được tiếp thêm niềm tin, thêm sức mạnh và động lực để cố gắng hết mình, vươn ra biển lớn và đến với những ngôi trường mà các em hằng mong ước. Chỉ cần các em luôn giữ cho mình một tâm thế vững vàng, một ngọn lửa nhiệt huyết cháy bỏng không bao giờ tắt với sự quyết tâm gắn liền với ngôi trường mơ ước của mình thì không gì là không thể. Hãy dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ và dám phấn đấu. “Khác biệt để dẫn đầu” – hãy khác biệt kiến tạo giá trị, khác biệt trong tư duy, cách thức hiện và cả kết quả đạt được. Chúc các em may mắn và thành công”.

Trong khuôn khổ chương trình Tiếp sức mùa thi 2022, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long thực hiện chuỗi bài viết về kinh nghiệm “vượt vũ môn” của 40 thủ khoa khắp cả nước ở tất cả 12 khối thi ở nhiều môn thi. Tuyển tập “bí kíp có 1 không 2” từ chính các thủ khoa này sẽ là trợ thủ đắc lực để các sĩ tử đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi quan trọng.

Quang Dương.