Đa dạng phương án xét tuyển, “nhiều cửa” cho thí sinh thi năm 2021

Nhiều trường có thêm phương án xét tuyển mới để thí sinh có nhiều sự lựa chọn trong mùa tuyển sinh năm 2021.

Đa dạng là tất yếu

Tại thời điểm này, nhiều trường ĐH top trên đã công bố phương án tuyển sinh ĐH chính quy năm 2021. Một điều dễ nhận thấy, đó là thay vì 3 phương thức tuyển sinh truyền thống (xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và nhà trường, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển theo học bạ…), một số trường có phương án tổ chức thi riêng để chọn thí sinh tốt nhất. Đơn cử như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực đối với học sinh THPT.

Các trường đa dạng phương thức tuyển sinh để đảm bảo chất lượng.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc các trường phải đa dạng hóa phương thức tuyển sinh là tất yếu khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định mục tiêu chính để xét tốt nghiệp với đề thi ”dễ thở” hơn, tính phân loại thấp hơn.

Vì vậy, việc mở rộng phương thức tuyển sinh sẽ giúp các trường vừa thu hút được số lượng thí sinh lớn hơn, vừa có thể nâng cao hơn chất lượng đầu vào. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thí sinh sẽ có nhiều lựa chọn hơn để bước chân vào giảng đường đại học.

Nhiều phương thức tuyển sinh

Ở khối trường công, ngoài phương thức xét tuyển truyền thống, nhiều trường lần đầu tiên sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển vào các trường.

Chẳng hạn, theo Thông báo của Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết các trường công an nhân dân tuyển sinh đại học chính quy chính quy có thêm phương án tuyển mới là xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và chỉ áp dụng cho một số trường. Theo đó, Học viện Quốc tế, Học viện Chính trị Công an nhân dân, ngành Nghiệp vụ An ninh, Nghiệp vụ Cảnh sát sẽ xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế (chứng chỉ IELTS Academic hoặc chứng chỉ TOEFL iBT hoặc chứng chỉ HSK) với kết quả học tập trung học phổ thông.

Với phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ xét theo các tổ hợp A00, A01, B00, C00, C03, D01, D04) kết hợp với kết quả học tập trung học phổ thông. Mỗi thí sinh được tham gia xét tuyển nhiều phương thức tại một trường. Thí sinh trong những năm học trung học phổ thông hoặc tương đương đạt học lực từ trung bình trở lên (theo kết luận học bạ.)

Năm nay, Trường Đại học Mỏ-Địa chất cũng lần đầu tiên xét tuyển theo điểm kết quả bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội với 10 đến 20% chỉ tiêu. Theo đó, trường dự kiến sẽ có tất cả 5 phương thức để xét tuyển. Bốn phương thức đã được áp dụng từ các năm trước đó là xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021(chiếm 70-80% chỉ tiêu tuyển sinh); xét tuyển theo học bạ; xét tuyển thẳng học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Đại học Bách khoa Đà Nẵng có đến 7 nhóm đối tượng xét tuyển, gồm học sinh đoạt giải khuyến khích trong các kỳ thi học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; học sinh đoạt từ giải ba trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố; học sinh các trường chuyên; học sinh đạt học lực giỏi; học sinh có các chứng chỉ quốc tế.

 

Thí sinh có nhiều sự lựa chọn về phương án xét tuyển để phù hợp với năng lực của bản thân.

Các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng cũng xây dựng thêm phương án tuyển sinh riêng, đưa tổng số hình thức xét tuyển vào trường từ 4 phương thức như năm 2020 lên 5 phương thức. Cụ thể, bên cạnh việc xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển theo điểm bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, xét tuyển theo học bạ và xét tuyển thẳng còn có thêm đề án tuyển sinh riêng của từng trường thành viên. Điểm chung của các đề án này là đều dùng hình thức xét tuyển nhưng đối tượng cụ thể lại khác nhau tùy theo đặc điểm đào tạo và yêu cầu của từng trường.

Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt-Hàn xét tuyển thẳng cho 8 nhóm đối tượng thí sinh như thí sinh đạt giải khuyến khích tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, thí sinh đạt huy chương đồng trở lên trong các kỳ thi olympic cấp tỉnh, thí sinh có chứng chỉ quốc tế, thí sinh đạt học sinh giỏi hai năm ở bậc trung học phổ thông…

Trường Đại học Kinh tế có 6 đối tượng được xét tuyển, trong đó có xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đã tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam.

Trường Đại học Ngoại ngữ ngoài xét tuyển theo các chứng chỉ quốc tế còn xét tuyển thí sinh có bằng tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông của nước ngoài (đã được nước sở tại cho phép thực hiện, đạt trình độ tương đương trình độ trung học phổ thông của Việt Nam) ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam và có điểm trung bình toàn khoá từ 7,5 điểm trở lên theo thang điểm 10 hoặc tương đương; thí sinh đã tham gia các vòng thi tuần trở lên trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia trên đài truyền hình Việt Nam các năm 2019, 2020 và 2021; thí sinh liên tục đạt học sinh giỏi trong ba năm trung học phổ thông…

Bên cạnh đó, thí sinh ngày càng có nhiều lựa chọn khi rất nhiều trường đại học với nhiều chương trình đào tạo được mở ra, từ đại trà đến nâng cao, liên kết đào tạo trong nước và quốc tế. Đại học cũng không còn là con đường duy nhất để lựa chọn khi thông tin về các cử nhân thất nghiệp vẫn liên tục được cập nhật.

    Đăng ký ôn tập 1 kèm 1 miễn phí